Hậu quả
Hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành giao thông vận tải ở Việt Nam là có thể gây ảnh hưởng đến người lao động do mất đi các cơ hội việc làm.
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang ảnh hưởng ngày một sâu sắc đến mỗi quốc gia, mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, ngành giao thông vận tải cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này.
Đây chính là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội, thách thức trong ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng 24/11, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, giao thông vận tải luôn là ngành quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực lớn của xã hội, của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, sử dụng một lực lượng lao động phổ thông rất lớn, đây chính là thách thức lớn khi đối diện với công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng từng ngày.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải),ngành giao thông vận tải nước ta hiện nay có đầy đủ biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần 2,3 và lần thứ tư. Cụ thể như, bước đầu ngành đã hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đăt vé, check-in vé tàu, vé máy bay, thu phí đường bộ tự động).
Sự xuất hiện các dịch vụ vận tải tren nền tảng internet như taxi uber, grab; cung cấp các dịch vụ công qua internet (cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới… và đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.
“Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin nên các ứng dụng mới được phát triển trong phạm vi hẹp, vì thế mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ ở phạm vi toàn ngành giao thông vận tải…”, ông Hà cho hay.
Cũng theo ông Trần Quang Hà, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể giúp tiết kiệm được sức lao động thông qua công nghệ. Nhưng đối với ngành giao thông vận tải ở Việt Nam thì hậu quả của cuộc cách mạng này có thể gây ảnh hưởng đến người lao động do mất đi các cơ hội việc làm của nguồn nhân công giá rẻ, phương thức sản xuất thay đổi như Uber, Grab đã tham gia thị trường vận tải của taxi truyền thống….
Phó Vụ trưởng Trần Quang Hà đặt vấn đề, Cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa toàn diện với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ rô bốt, trí tuệ nhân tạo, internet, dự liệu số hóa và công nghệ thông tin để chia sẻ toàn cầu, làm thay đổi các phương thức và lực lượng sản xuất vận tải. Thực tế này sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, mà trọng tâm là “mạch máu giao thông” phục vụ con người.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu dẫn chứng về tốc độ phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội, cụ thể như: 10 năm trước đây, ngay cả các hang viễn thông hàng đầu thế giới cũng không thể tin mạng xã hội Facebook lại đứng đầu trong lĩnh vực liên lạc di động. Và chỉ 3 năm trước đây, người dân Việt Nam khó ai tin được vận tải hành khách công cộng Uber, Grab lại phục vụ được con người thay vì “vẫy” taxi.
Thêm vào đó, một tuyến đường, một cây cầu, một công trình giao thông… hiện nay đều có thể giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế, tiến độ thi công cho đến khi vận hành, bảo trì.
Cùng với các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn điện đang diễn ra tại tất cả các lĩnh vực đường thủy, đường bộ, đường sắt và hàng không để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển giao thông vận tải này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0.
Do đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, không còn cách nào khác, giao thông vận tải phải đi trước đón đầu phát triển ngành trên nền tảng công nghiệp 4.0, đây có thể là ưu tiên hàng đầu để thoát khỏi “trì trệ” từ công nghiệp 1.0 với phương thức vận tải cơ khí, đến công nghiệp 2.0 công nghiệp hóa phương tiện vận tải, đến công nghiệp 3.0 tự động hóa với giao thông thông minh và đến công nghiệp 4.0 kết nối, chia sẻ các phương thức vận tải.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tô Đình Dũng, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) chia sẻ, lĩnh vực hàng không sẽ chịu nhiều thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể kể ra các thách thức như an ninh thông tin, yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ của các quá trình sản xuất…
Ví dụ như lĩnh vực vận tải hàng không, ông Dũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực này từ các mô hình dịch vụ và kinh doanh, sự an toàn của tàu bay, thiết bị mặt đất hay như chuỗi giá trị (hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý không lưu…).
Chia sẻ về cơ hội khi thực hiện công nghiệp 4.0, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, với nền tảng công nghệ số, thông tin về hàng hóa, tuyến vận chuyển, giá cước, thời tiết, giá nhiên liệu… sẽ được cập nhật liên tục, tạo điều kiện cho các chủ tàu có thể tiếp cận và có quyết định kịp thời cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện Vinalines còn cho rằng, vận tải hàng hóa trên biển có thể được cơ cấu theo hướng tự động điều khiển từ xa theo cung hành trình đại dương được thiết lập sẵn.
Còn về khó khăn, đại diện Vinalines chia sẻ, với cách mạng công nghiệp 4.0, khi toàn bộ nguồn thông tin được số hóa và minh bạch sẽ đem lại sự khó khăn khi cạnh tranh các đơn hàng lớn, vì các tàu biển của Việt Nam nói chung và Vinalines nói riêng đều thuộc thế hệ tàu cũ, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo quản, bảo dưỡng lớn.
“Mặt khác, hệ thông kiểm soát của dịch vụ hàng hải cần có nguồn đầu tư lớn, nhân lực triển khai và vận hành phải có chất lượng và am hiểu vè công nghệ….
Do đó, để sẵn sang với cách mạng công nghiệp 4.0, Vinalines đã nâng cấp toàn bộ hạ tầng cơ sở phần cứng, thay thế thiết bị đã xuống cấp. Mặt khác, Vinalines sẽ vận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại để đảm bảo tính cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hải…”, đại diện Vinalines cho hay./.