1. Sơ lược về hợp đồng vận chuyển theo chuyến bằng đường biển?
Theo khoản 2, Điều 146 Bộ luật hàng hải quy định: “Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.“.
Theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến thì chủ tàu cho người thuê tàu toàn bộ hay một phần chiếc tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng này đến cảng khác và được hưởng tiền cước chuyên chở theo quy định của hợp đồng thuê tàu do hai bên thỏa thuận ký kết.
Hợp đồng vận chuyển theo chuyến được sử dụng trong phương thức thuê tàu chuyến. Tàu chuyến được hiểu là loại tàu không chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, không đi qua những cảng nhất định và không theo một lịch trình đã định trước. Trong phương thức thuê tàu chuyến, tàu không chạy theo lịch trình cố định như tàu chợ, mà theo yêu cầu của chủ hàng.
2. Các vấn đề pháp lý về hợp đồng vận chuyển theo chuyến bằng đường biển?
Nội dung về liên quan về hợp đồng vận chuyển theo chuyến được quy định khá chi tiết và cụ thể, từ Điều 175 đến Điều 195 Bộ luật Hàng hải. Trong đó, cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, sử dụng tàu biển trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hàng hải: “Người vận chuyển có nghĩa vụ dùng tàu biển đã được chỉ định trong hợp đồng để vận chuyển hàng hóa, trừ trường hợp người thuê vận chuyển đồng ý cho người vận chuyển thay thế tàu biển đã được chỉ định bằng tàu khác.“
Việc lựa chọn tàu biển vận chuyển do các bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển, việc sử dụng tàu biển chỉ cần tuân theo nội dung trong hợp đồng, tức là người vận chuyển bắt buộc phải dùng tàu biển đã được chỉ định, tuy nhiên, cũng dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và thống nhất ý chí, nếu bên thuê vận chuyển đồng ý thay thế tàu biển thì người vận chuyển được quyền dùng tàu biển thay thế.
Thứ hai, chuyển giao quyền trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Nội dung vấn đề này được ghi nhận tại Điều 176 Bộ luật Hàng hải, cụ thể: “Người thuê vận chuyển có thể chuyển giao quyền theo hợp đồng cho người thứ ba mà không cần người vận chuyển đồng ý, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng đã giao kết.“
Người thuê vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nói chung là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển. (Khoản 1, Điều 147 Bộ luật Hàng hải). Thực tế, quyền của người thuê vận chuyển không mang tính chất quá quan trọng và thông thường chuyển giao quyền là nội dung ít phức tạp, bởi quyền gắn với các lợi ích mà họ được hưởng, việc chuyển giao quyền không làm ảnh hưởng đến người vận chuyển.
Thứ ba, giá dịch vụ vận chuyển.
Vấn đề về giá dịch vụ vận chuyển khá phức tạp, được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hàng hải, trong đó có hai trường hợp đặc biệt khi xác định giá dịch vụ vận chuyển:
Trường hợp 1: hàng hóa được bốc lên tàu biển vượt quá khối lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với trường hợp này, người vận chỉ có quyền thu giá dịch vụ vận chuyển theo thỏa thuận đối với số hàng hóa đó. (Khoản 1)
Trường hợp 2: hàng hóa được bốc lậu lên tàu biển. Riêng với trường hợp này, người vận chuyển có quyền thu gấp đôi giá dịch vụ vận chuyển từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng và được bồi thường các tổn thất phát sinh do việc xếp số hàng hóa bốc lậu đó trên tàu. Người vận chuyển có quyền dỡ số hàng hóa bốc lậu đó tại bất cứ cảng nào, nếu xét thấy cần thiết. (Khoản 2).
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc đang tìm kiếm một công ty Logistics cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu liên hệ ngay với Vietship nhé!!
Đọc thêm:
Giải pháp Vận chuyển Đường biển từ Malaysia về Việt Nam với mức giá hết sức hấp dẫn!