Tài liệu xuất nhập khẩu hàng sea

Nhập CIF, xuất FOB & thị trường kinh doanh bảo hiểm

Vietship là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ logistics, vận tải giao nhận quốc tế, với hệ thống đại lý toàn cầu, chuyên nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi cung cấp dịch vụ thu gom, consol hàng lẻ, hàng LCL đường biển chuyên tuyến xuất nhập khẩu. Dịch vụ của chúng tôi luôn được đánh giá về chất lượng, mức độ uy tín, hiệu quả và chính xác cao.

Nhập CIF, xuất FOB & thị trường kinh doanh bảo hiểm

Cũng như bất kỳ một linh vực kinh doanh nào, trong kinh doanh bảo hiểm việc khai thác và chiếm lĩnh thị trường có ý nghĩa quyết định. Song, là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, việc khai thác thị trường trong kinh doanh bảo hiểm gặp khó khăn lớn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Bởi lẽ, thị trường kinh doanh bảo hiểm không chỉ phụ thuộc vào năng lực của bản thân doanh nghiệp bảo hiểm mà còn phụ thuộc rất lớn vào tập quán sinh hoạt,tập quán kinh doanh và trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung. Không phải là yếu tố duy nhất nhưng tập quán, thói quen trong kinh doanh xuất – nhập khẩu của nền kinh tế là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới thị phần của kinh doanh bảo hiểm.
Ngược với thông lệ quốc tế.
Trong kinh doanh xuất – nhập khẩu, người ta có thể mua, bán hàng hóa với những phương thức khác nhau tùy theo điều kiện giao hàng quy định trong hợp đồng. Theo các thỏa thuận đã được lập thành quy ước quốc tế, có các điều kiện giao hàng sau:
– Giao hàng tại xưởng: Tuỳ theo địa điểm giao hàng, người ta có thể gọi điều kiện này là “giao tại nhà máy” (ex factory) “giao tại mỏ” ( ex mine), “giao tạo đồn điền” (ex plantation); “giao tại kho” (ex wa rehouse)… nhưng tên gọi được sử dụng nhiều và tiêu biểu là “giao tại xưởng” (ex work).
– Giao hàng cho người vận tải: (free carrier), ký hiệu quốc tế là FCA.
– Giao hàng dọc mạn tàu: (free alongside ship), ký hiệu quốc tế là FAS.
– Giao hàng lên tàu: (free on board), ký hiệu quốc tế là FOB.
– Giao hàng với tiền hàng cộng cước: (cost + freight), ký hiệu quốc tế là CFR.
– Giao hàng với tiền hàng cộng bảo hiểm cộng cước: (cost + insurance + freight), ký hiệu quốc tế là CIF.
Quy ước quốc tế cũng quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về trách nhiệm của người mua, người bán tương ứng với những điều kiện giao hàng nêu trên.
Ở các nước phát triển, khi bán hàng – tức là khi xuất khẩu hàng hóa – người bán thường tìm mọi cách để giao hàng với điều kiện tiền hàng cộng bảo hiểm cộng cước, (cost + insurance + freight), còn gọi là bán theo giá CIF. Điều đó có nghĩa là, người bán – người xuất khẩu – giao hàng cho người mua trên tàu của người bán, tại cảng của nước người mua – người nhập khẩu. Khi mua hàng, tức là khi nhập khẩu, người mua lại luôn luôn đàm phán để mua được hàng theo điều kiện giao hàng lên tàu, (free on board), còn gọi là mua hàng theo giá FOB.
Ở nước ta, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu đang thực hiện theo phương thức ngược lại. Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam giao hàng theo giá FOB, tức là giao hàng cho bên mua trên tàu của bên mua tại cảng Việt Nam. Khi mua hàng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam lại nhận hàng trên tàu của người bán tại cảng Việt Nam. Đó là tập quán kinh doanh trong xuất – nhập khẩu ở Việt Nam đã hình thành từ rất lâu và vẫn tồn tại cho đến nay.
Tác động tới thị phần kinh doanh bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm rất đa dạng, với các loại hình bảo hiểm khác nhau. Song, bảo hiểm hàng hóa xuất   – nhập khẩu có vị trí rất quan trọng. Song, tập quán kinh doanh xuất – nhập khẩu ở nước ta đang hoàn toàn ngược lại với thông lệ quốc tế như trình bày trên đã dẫn đến hậu quả là: các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam gần như hoàn toàn mất thị phần bảo hiểm trong lĩnh vực này. Đó là điều không có gì khó hiểu khi cả xuất khẩu và nhập khẩu, các thương nhân nước ngoài đều giành lấy quyền thuê tàu và giao hàng tại cảng Việt Nam. Khi quyền thuê tàu là của thương nhân nước ngoài (kể cả khi một đại lý vận tải của Việt Nam làm thủ tục thuê tàu theo hợp đồng ủy quyền) thì quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hóa tất yếu cũng thuộc quyền của thương nhân nước ngoài. Việc thương nhân nước ngoài tìm đến và mua bảo hiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm Việt Nam cho hàng hóa của họ có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm là rất lớn và có xu hướng tăng nhanh. Chẳng hạn, năm 2008, xuất khẩu của nước ta đạt khoảng 62 tỷ USD, nhập khẩu xấp xỉ 90 tỷ USD. Phí bảo hiểm cho lượng hàng hóa này là một số khổng lồ. Vì vậy, để “tuột khỏi tay” quyền thu phí bảo hiểm với lượng hàng hóa đó là một thiệt hại vô cùng lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà còn với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Nguyên nhân và giải pháp
Phải nói rằng, cho đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn đang đau đớn đứng nhìn các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần bảo hiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam mà nguyên nhân là “tập quán ngược” trong kinh doanh xuất nhập khẩu ở nước ta. Vì sao có cái “tập quán ngược” như vậy?
     Trước hết, khi làm ngược lại phương thức cổ truyền như hiện nay, tức là nhập khẩu theo giá FOB và xuất khẩu theo giá CIF, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ thu được hiệu quả kinh doanh lớn hơn nhưng phải chịu rủi ro lớn hơn. Chẳng hạn, theo quy ước quốc tế, khi bán hàng theo giá CIF, trách nhiệm của người mua và người bán được quy định như sau:
Trách nhiệm của người bán: Ký kết hợp đồng vận chuyển để chuyển hàng đến cảng đích;Lấy giấy phép xuất khẩu, nộp thuế và lệ phí xuất khẩu (nếu có); Giao hàng lên tàu; Ký kết hợp đồng bảo hiểm cho hàng hoá theo điều kiện bảo hiểm lựa chọn;Cung cấp cho bên mua hoá đơn, vận đơn đường biển hoàn hảo và đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm;Trả tiền chi phí bốc hàng lên tàu;Trả tiền chi phí dỡ hàng nếu chi phí này đã nằm trong tiền cước (trường hợp tàu chở hàng là tàu chợ). Trách nhiệm của người mua: Nhận hàng theo từng chuyến giao hàng khi hoá đơn, đơn (hoặc giấy chứng nhận) bảo hiểm, vận đơn được giao cho mình; Trả tiền chi phí dỡ hàng nếu chi phí này chưa nằm trong tiền cước; Chịu mọi rủi ro và tổn thất về hàng hoá kể từ khi hàng đã qua hẳn lan can tàu ở cảng bốc hàng. Quy định trên cho thấy, khi xuất khẩu hàng theo giá CIF, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chịu toàn bộ rủi ro khi hàng được vận chuyển trên đường đến cảng người nhập. Những rủi ro đó rất nhiều và không phải tất cả các rủi ro đều thuộc phạm vi bảo hhiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Chấp nhận rủi ro lớn trong kinh doanh để thu được hiệu quả lớn hơn chưa trở thành thói quen trong kinh doanh xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
 
  Thứ hai, khi làm ngược lại với phương thức cổ truyền hiện nay, hàng loạt công việc mang tính nghiệp vụ phức tạp, đặc thù sẽ xuất hiện như giao dịch thuê tàu; mua bảo hiểm; các thủ tục giao hàng tại cảng nước xuât hoặc nước nhập, v.v… Trong điều kiện nghiệp vụ về kinh doanh xuất nhập khẩu, kiến thức pháp luật trong thương mại quốc tế, trình độ ngoại ngữ …của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giao, nhận, kho, vận ở nước ta còn hạn chế, khó khăn trong thực hiện những nghiệp vụ đặc thù, phức tạp nêu trên không thể vượt qua một cách dễ dàng.
    Thứ ba, trong hoạt động kinh doanh, khi và chỉ khi người kinh doanh coi việc bảo đảm hiệu quả kinh doanh cao nhất trong điều kiện pháp luật cho phép là mục tiêu thì họ mới kiên quyết và tìm mọi cách thay đổi tập quán đã lỗi thời, lạc hâu để thực hiện một phương thức mới với hiệu quả kinh tế cao hơn. Ở nước ta, trong một thời kỳ dài, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu đều là doanh nghiệp nhà nước. Ở đó, hiệu quả kinh doanh cao hay thấp không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất đối với các giám đốc. Ngược lại, họ phải luôn luôn bảo đảm sự an toàn ở mức cao nhất. Do đó, làm ngược lại tập quán cổ truyền trong kinh doanh xuất nhập khẩu là điều rất ít giám đốc doanh nghiệp nhà nước dám thực hiện.
Ba nguyên nhân nêu trên là cơ bản và đặc biệt quan trọng dẫn đến tình trạng kinh doanh xuất – nhập khẩu theo phương thức ngược với thông lệ quốc tế và làm mất thị phần của kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực này. Có thể khắc phục tình trạng đó và từng bước lấy lại thị phần về bảo hiểm hàng hóa trong kinh doanh xuất nhập khẩu ở nước ta được không? Chúng ta có thể làm được nhưng phải trong một thời gian khá dài. Bởi lẽ, không thể có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào bắt buộc các doanh nghiệp phải “mua FOB, bán CIF” hay theo một phương thức nào khác.
Vì vậy, cần thực hiện tích cực, có hiệu quả những giải pháp sau đây:
   1. Đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi hình thức sở hữu trong các DNNN, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thương trường.Từ đó, đảm bảo hiệu quả kinh doanh tối đa tất yếu sẽ trở thành mục tiêu quan trọng nhất cần phải theo đuổi. Với mục tiêu đó, việc nghiên cứu và tìm mọi phương án để thay đổi phương thức trong kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Khi các DNNN có quy mô lớn hiện nay chuyển đổi thành công ty cổ phần và hoạt động kinh doanh không có sự bảo hộ của Nhà nước, đi tiên phong thực hiện phương thức “mua FOB, bán CIF” như các thương nhân nước ngoài thì dần dần, các doanh nghiệp khác cũng thực hiện theo.
     2. Cần có quy hoạch phát triển một cách khoa học, hợp lý và đầu tư đủ mạnh cho việc nâng cấp lực lượng vận tải biển Việt Nam để đủ sức vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trên thế giới và ngược lại với độ an toàn cao, giá cước hợp lý. Đây là nhân tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu yên tâm khi trao gửi hàng hóa của mình cho nhà vận tải khi xuất khẩu, nhập khẩu.
    3. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logicstic cần nhanh chóng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức về thương mại quốc tế để hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu khi thực hiện “mua FOB, bán CIF”. Đó cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để chiếm lĩnh thị trường logicstic khi chúng ta mở cửa thị trường này cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2014.
    4. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các doanh nghiệp kinh doanh lôgicstic không nên thụ động chờ đợi sự thay đổi mà cần hợp tác chặt chẽ với nhau tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thay đổi phương thức giao, nhận hàng. “Vạn sự khởi đầu nan”, nếu những khó khăn ban đầu của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong việc thay đổi phương thức giao, nhận hàng được tư vấn, hỗ trợ và vượt qua, chắc chắn rằng, “mua FOB, bán CIF” sẽ trở thành phổ biến và thị phần bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được “trả lại” cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu, kinh doanh logicstic cũng sẽ tăng lên.

VĂN PHÒNG VIETSHIP HÀ NỘI

Địa chỉ: B10b khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 08-6902-9161
Giờ phục vụ: 8 giờ đến 18 giờ(Từ thứ 2 đến thứ 7)
Hotline: 0936-257-997  (Phục vụ 24/24 giờ)
Email: lienhe@vietship.net

5/5 - (1 bình chọn)
shiphang