Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là gì? Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gồm những loại nào? Vấn đề này sẽ được Vietship giải đáp dưới đây.
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là gì?
Theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Tại sao lại cần hợp đồng vận chuyển đường biển?
– Hợp đồng vận chuyển đường biển giúp người cần vận chuyển biết được đơn vị vận chuyển là ai qua con dấu, địa chỉ văn phòng đại diện ở đâu, mã số thuế, người chịu trách nhiệm khi gặp sự cố.
– Đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của 2 bên, người vận chuyển có quyền kiểm tra trước hàng hóa khi tiến hành kí kết hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại hàng hóa, phải giao đúng hàng, đúng thời gian, địa điểm cho người có quyền nhận, người gửi hàng cần phải trả tiền cho dịch vụ vận tải hàng hóa khi có yêu cầu.
Hợp đồng vận chuyển có giá trị pháp lý thế nào?
Hợp đồng vận chuyển là văn bản có hiệu lực nhất để đem ra giải quyết các vấn đề bất đồng giữa các bên khi có xảy ra tranh chấp, bao gồm cả các điều khoản liên quan tới đền bù thiệt hại hàng hóa khi gặp hư hỏng, mất mát.
Dựa vào những điều khoản và nội dung ở hợp đồng, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng thỏa thuận. Khi có vấn đề gì không may xảy ra, văn bản này có thể được đem ra pháp luật cho việc phân định đúng sai.
Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo Điều 146 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 gồm:
– Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận.
– Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.
Các bên liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Theo Điều 147 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì các bên liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển như sau:
– Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển. Trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển, người thuê vận chuyển được gọi là người giao hàng.
– Người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển.
– Người vận chuyển thực tế là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
– Người giao hàng là người tự mình hoặc được người khác ủy thác giao hàng cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
– Người nhận hàng là người có quyền nhận hàng quy định tại Điều 162 và Điều 187 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015.
Chứng từ vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Chứng từ vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo Điều 148 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
– Chứng từ vận chuyển bao gồm vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển và chứng từ vận chuyển khác. Mẫu vận đơn, vận đơn suốt đường biển do doanh nghiệp phát hành và phải được gửi, lưu tại cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
– Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
– Vận đơn suốt đường biển là vận đơn ghi rõ việc vận chuyển hàng hóa được ít nhất hai người vận chuyển bằng đường biển thực hiện.
– Giấy gửi hàng đường biển là bằng chứng về việc hàng hóa được nhận như được ghi trong giấy gửi hàng đường biển; là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Giấy gửi hàng đường biển không được chuyển nhượng.
– Chứng từ vận chuyển khác là chứng từ do người vận chuyển và người thuê vận chuyển thỏa thuận về nội dung, giá trị.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc đang tìm kiếm một công ty Logistics cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu liên hệ ngay với Vietship nhé!!
Đọc thêm:
Giải pháp Vận chuyển Đường biển từ Malaysia về Việt Nam với mức giá hết sức hấp dẫn!
Vận chuyển thực phẩm khô từ Hải Phòng