Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào nhiều thị trường ‘khổng lồ’
– Theo ông Phạm Tất Thắng – Nguyên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, hiện hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được vào nhiều thị trường khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin… Bên cạnh đó, còn mở thêm được nhiều thị trường mới như Thái Lan, Nga…
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu” vừa tổ chức sáng nay (3/11).
Doanh nghiệp dệt may đã mở được nhiều thị trường mới
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, xuất khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa thường đạt mức gấp 2 – 3 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt con số ấn tượng là 17,5%/năm, so với tốc độ tăng trưởng chung là 6 – 6,5%/năm. Riêng năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 176,6 tỷ USD, khả năng 2017 cán ngưỡng 200 tỷ USD đưa Việt Nam lọt vào hàng thứ 26 trong tổng số các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hành tinh.
Trong bức tranh chung đó, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam luôn ghi được dấu ấn đầy ấn tượng. Năm 2016, tuy không đạt mục tiêu đề ra, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,8 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2015.
Đưa ra đánh giá về tăng trưởng của dệt may Việt Nam, ông Phạm Tất Thắng – Nguyên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc đưa hàng dệt may vào những thị trường cao cấp khí tính như Mỹ (11,5 tỷ USD), EU (3,7 tỷ USD), Nhật Bản (2,9 tỷ USD), Hàn Quốc (2,3 tỷ USD)… Các doanh nghiệp Việt Nam còn mở thêm được thị trường mới và đưa kim ngạch xuất khẩu vào Ăngola, Thái Lan, Nga… với mức tăng trưởng 30 – 60% so với năm 2015.
“Hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được vào thị trường khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin. Nếu biết rằng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đạt tới 260 tỷ USD/năm, thì mới thấy hết ý nghĩa to lớn của việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường rộng lớn này”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, để đạt được kết quả trên, toàn ngành dệt may đã cố gắng tự đổi mới mình, tái cơ cấu sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới và đòi hỏi của các cam kết FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Bằng chứng, riêng năm 2016, Tập đoàn dệt may đã thực hiện tới 41 dự án đầu tư quy mô lớn, trong đó 9 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất sợi, 9 dự án dệt, nhuộm, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp với mức đầu tư lên tới 5.523,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, đưa ra đánh giá về năm 2017, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đây là năm đầy thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy vậy, trong thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam, song để tạo ra ưu thế lớn hơn, bản thân doanh nghiệp cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới”, ông Trường khẳng định.
Hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều biến động lớn
Đưa ra những thách thức đối với ngành dệt may trong năm tới, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM cho rằng, đó là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia…
Cũng theo ông Hồng, trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế… đều thấp hơn so với Việt Nam.
Để vượt qua được những rào cản trên và cạnh tranh tốt hơn, đại diện Hiệp hội này đề nghị các doanh nghiệp cần khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề điêu luyện của công nhân, cũng như đổi mới phương thức quản lý qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.
Theo ông Phạm Tất Thắng, thị trường nhập khẩu chủ yếu hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều biến động lớn, khó lường. Đặc biệt, trường phái bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại với xu thế tự do thương mại WTO.
Ông Thắng cũng cho rằng, Việt Nam được nâng hạng từ nước kém phát triển lên mức nước có nền kinh tế đang phát triển là một điều đáng mừng cho nền kinh tế nói chung, nhưng lại mang về cho ngành dệt may nhiều khó khăn, thiệt thòi to lớn.
“Nếu xét về chi phí, hàng dệt may Việt Nam còn chịu áp lực do chi phí vốn trong nước cao hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… đánh vào dệt may thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng sản phẩm dệt may Việt Nam phải gánh chịu những chi phí vận chuyển, chi phí làm thủ tục hành chính, chi phí hải quan…”, Nguyên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương đưa ra những nguyên nhân cản trở sự tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam.
VĂN PHÒNG VIETSHIP HÀ NỘI
Địa chỉ: B10b khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 08-6902-9161
Giờ phục vụ: 8 giờ đến 18 giờ(Từ thứ 2 đến thứ 7)
Hotline: 0936-257-997 (Phục vụ 24/24 giờ)
Email: lienhe@vietship.net