Tại sao doanh nghiệp Việt không áp dụng nhập FOB xuất CIF ?

Tại sao doanh nghiệp Việt không áp dụng nhập FOB xuất CIF ?

Một quy luật bán hàng của các doanh nghiệp tại Việt Nam đó là nhập CIF  xuất FOB, bởi lẽ các doanh nghiệp cứ nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về mình ít đồng nghĩa với chi phí cũng như thời gian bỏ ra cho lô hàng đó cũng được giảm bớt. Với thói quen này, các doanh nghiệp giao phó nghĩa vụ thuê phương tiện vận chuyển, thanh toán chi phí vận chuyển, mua bảo hiểm hàng hóa, quyết định lịch tàu, hãng tàu,… cho bên đối tác của mình và không tham dự vào, chỉ nhận nhiệm vụ đưa hàng ra cảng xuất hay cho đến khi hàng cập cảng nhập thì mới bắt tay vào làm việc. Một cách làm việc bị động như vậy có thực sự hiệu quả ?

Nhập FOB xuất CIF nên được khuyến khích

Thực tế cho thấy nếu doanh nghiệp nhập FOB xuất CIF, chủ động trong việc thuê phương tiện vận tải sẽ đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả quốc gia:

– Đối với doanh nghiệp : khi doanh nghiệp chủ động quyền quyết định thuê phương tiện vận tải và bảo hiểm cho hàng hóa, họ sẽ dễ dàng trong việc thương lượng giá cả vận tải, phí bảo hiểm để đạt được giá ưu đãi hơn, tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp.

Nhập FOB, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn và nắm bắt rõ ràng về lịch tàu, chuyến tàu để sắp xếp cho phù hợp. Ngoài ra, đại lý hãng vận tải của nhà nhập khẩu tại cảng xuất khẩu, sẽ liên lạc với nhà xuất khẩu nhằm hối thúc nhà xuất khẩu hoàn thành lô hàng theo đúng tên hàng, số lượng, khối lượng,.. cho kịp lịch trình, và giúp nhà nhập khẩu xác định chính xác thông tin nhà XK tránh tình trạng nhà XK là công ty ma, hay tình trạng delay hàng. Khi nhà XK và NK mới làm việc với nhau chưa đủ tin tưởng thì đây là một giải pháp tốt cho nhà nhập khẩu.

Giao phó việc thuê tàu cho đối tác không đáng tin cậy là một mối nguy hiểm rất lớn. Đối tác nhằm tiết kiệm chi phí có thể sẽ thuê 1 hãng vận tải chất lượng thấp, giá rẻ, lộ trình vận chuyển dài gây ảnh hưởng đến hàng hóa ( đặc biệt hàng nông sản, hàng hoa quả, thủy sản,..). Tương tự như vậy khi xuất FOB, khi nhà xuất khẩu đã chuẩn bị xong hàng hóa đưa ra cảng nhưng tàu do bên nhập gặp sự cố delay, dẫn đến phải lưu kho các mặt hàng này gây giảm chất lượng, mau hỏng.

Hãng vận tải kết hợp với nhà xuất khẩu lừa gạt nhà nhập khẩu. Với những đối tác lần đầu làm ăn mà giao phó cho đối tác thuê phương tiện vận chuyển, sẽ có thể xảy ra trường hợp nhà vận chuyển kết hợp với bên xuất khẩu ( đối tác) lừa gạt nhà nhập khẩu, một vài chiêu thức như ra B/L nói rằng hàng đã lên tàu, yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán, hay thay đổi hàng hóa thành hàng kém chất lượng, thậm chí là chuyển từ thép phế liệu biến thành đá dăm hay 51 tấn đồng phế liệu nhưng thực tế là đất, đá

– Đối với quốc gia : Khi nhập FOB xuất CIF các nhà nhập khẩu đã góp phần làm giảm chi tiêu ngoại tệ. Ngoài ra việc sử dụng dịch vụ vận tải trong nước thúc đẩy ngành vận tải, giao nhận trong nước phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong ngành logistics.

Mặc dù lợi ích là thế, nhưng khi đàm phán các doanh nghiệp Việt vẫn không dễ thuyết phục đối tác để giành phần thuê
phương tiện vận chuyển, nhất là đối với các khách hàng lớn vì về thế các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và chưa đủ tin tưởng để khách hàng đặt niềm tin vào. Vì vậy, khi đã bị rơi vào thế bị động các doanh nghiệp cần lưu ý đến các yếu tố khác nhằm giám sát và đảm bảo hàng hóa như giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, số lượng, nhờ nhà vận chuyển giám sát việc đóng hàng, giao hàng, kiểm hàng để giảm thiểu tối đa rủi ro trong xuất nhập hàng hóa.

Rate this post