Số phận lận đận Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hoá
Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ với hệ thống 20.960 kho, 48.000 m2 bãi chứa container. Quá trình cổ phần hóa và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn diễn ra nhanh đến bất thường.
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải – GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Cảng Quy Nhơn.
Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines),đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Năm 2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH),chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).
Trước khi CPH, cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ với hệ thống 20.960 kho, 48.000 m2 bãi chứa container. Cùng với đó, cảng có trụ sở làm việc 3 tầng đồ sộ, hàng chục gian nhà ở và hơn 300.000 m2 đất các loại ngay trong nội thành Quy Nhơn dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cảng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng, như cần cẩu có sức nâng từ 7 đến 100 tấn, xe nâng, tàu lai, ô tô tải, xe xúc, xe đào, trạm cân. Trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng.
Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi CPH, QNP chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng (thời điểm này QNP có lượng tiền mặt gần 53 tỷ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhiều tài sản, thiết bị của QNP được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điển hình như hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ được định giá… hơn 1,9 tỷ đồng.
Nhìn lại quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Ngày 4/2/2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015, trong đó nêu Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn thực hiện cổ phần hóa Nhà nước phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Theo đó, từ giữa tháng 3/2013 việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn được tiến hành. Công ty CP Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%, nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45%, cổ đông đại chúng chiếm 7,54%, còn lại là cổ phần ưu đãi của cán bôộ công nhân viên và công đoàn công ty.
Trong khi cảng Quy Nhơn đang khởi động việc CPH theo đề án Vinalines giữ 75% vốn điều lệ, ngày 4/4/2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho cổ phần hóa cảng này theo hướng Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ.
Đến ngày 27/5/2013: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho CPH cảng Quy Nhơn theo phương thức: Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sau đó, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 1/1/2014 và trong văn bản ngày 25/2/2014 gởi Bộ trưởng Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định lại đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng cho thoái hết 49% vốn nhà nước nắm giữ tại cảng cho nhà đầu tư chiến lược trong năm 2014.
Tháng 9/2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho bán hết phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước.
Tiếp đến, ngày 13/7/2015, ông Nguyễn Văn Thiện – khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định – ký văn bản thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy gửi lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị đẩy nhanh tiến độ thoái hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Đến tháng 9/2015, Vinalines báo cáo đã thoái toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, doanh nghiệp này tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại cảng trên lên 86,23% vốn điều lệ.
Như vậy, chỉ trong vòng hai năm, Khoáng sản Hợp Thành đã thâu tóm thành công 86,23% cổ phần Cảng Quy Nhơn, qua đó nắm quyền điều hành tại một trong những cảng biển quan trọng nhất cả nước.
Vào cuối tháng 12/2016, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ 40,4 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Đáng chú ý là ngay trước thời điểm trên, Công ty Hợp Thành đã thực hiện bán ra hơn 3,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Cảng Quy Nhơn từ 86,23% xuống còn 78,03%. Bà Trần Thị Quỳnh Yên – Thành viên Hội đồng quản trị công ty cũng chính là Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Vào ngày 13/3/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc CPH Cảng Quy Nhơn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/7/2017.Sau đó, ngày 11/4/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên do ông Lê Quang Tiệp, Phó Vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng Đoàn. Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định.
Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Chính phủ lại có quyết định gia hạn là 15 ngày làm việc kể từ ngày 5/6. Lý do kéo dài thời hạn thanh tra được biết là để Đoàn thanh tra làm việc thêm với các cơ quản lý nhà nước và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định
Liên quan đến vấn đề CPH Cảng Quy Nhơn, ngày 25/5/2017, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định (báo cáo số 77-BC/UBKTTW, ngày 28/4/2017).
Ban Bí thư đã thảo luận, phân tích toàn diện các vi phạm của ông Nguyễn Văn Thiện đưa ra những kết luận cụ thể. Trong đó có kết luận, ông Thiện cũng có khuyết điểm khi thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ký văn bản đề nghị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về CPH Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ.
Ban Bí thư nhận định, những vi phạm của ông Nguyễn Văn Thiện đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông, cần áp dụng hình thức kỷ luật theo Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Ban Bí thư đã bỏ phiếu kín 100% thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thiện.
Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có việc CPH cảng Quy Nhơn.
Và như Nhadautu.vn đã đưa, trong sáng nay, 24/11, tại trụ sở làm việc của Thanh tra Chính Phủ đã diễn ra buổi họp công bố dự thảo kết luận thanh tra Cảng Quy Nhơn.